Tóm tắt nội dung
- 1 Nợ là những khoản nợ của cá nhân hoặc tổ chức đã quá thời hạn thanh toán quy định trên 90 ngày song người vay vẫn chưa thanh toán đủ gốc và lãi. Tuy nhiên việc xét nợ xấu ngân hàng còn dựa trên khả năng trả nợ và khả năng thu hồi vốn của chủ nợ. Khi con nợ tuyên bố phá sản hoặc tẩu tán tài sản đồng nghĩa với nợ xấu ngân hàng. Vậy bị nợ xấu ngân hàng và cách xử lý như thế nào?
- 2 Danh sách nợ xấu ngân hàng
- 3 Bị nợ xấu ngân hàng và cách xử lý
- 4 Ngân hàng xử lý nợ xấu như thế nào?
Nợ là những khoản nợ của cá nhân hoặc tổ chức đã quá thời hạn thanh toán quy định trên 90 ngày song người vay vẫn chưa thanh toán đủ gốc và lãi. Tuy nhiên việc xét nợ xấu ngân hàng còn dựa trên khả năng trả nợ và khả năng thu hồi vốn của chủ nợ. Khi con nợ tuyên bố phá sản hoặc tẩu tán tài sản đồng nghĩa với nợ xấu ngân hàng. Vậy bị nợ xấu ngân hàng và cách xử lý như thế nào?
Danh sách nợ xấu ngân hàng
Theo định nghĩa và hệ thống được áp dụng tại các ngân hàng hiện nay, danh sách nợ xấu gồm nhóm 3 (dưới tiêu chuẩn), nhóm 4 (nghi ngờ) và nhóm 5 (khả năng mất vốn cao). Việc sắp xếp nhóm nợ xấu này dựa trên các tiêu chuẩn nhất định và được hệ thống trên CIC (Trung Tâm Thông Tin Tín Dụng Quốc Gia Việt Nam). Sau đây là thông tin cụ thể về những nhóm nợ xấu ngân hàng này:
Nhóm 1: Nợ đủ tiêu chuẩn
Gồm những khoản nợ mà ngân hàng có khả năng thu hồi lại cả gốc và lãi đúng thời hạn hoặc quá hạn dưới 10 ngày. Trong trường hợp này, khách hàng khách hàng sẽ phải trả thêm lãi phạt quá hạn thường là 150%.
Lãi quá hạn sẽ được tính theo công thức sau:
Lãi quá hạn = Tiền gốc vay x (150% x Lãi suất vay theo hợp đồng) x Thời gian quá hạn.
Nhóm 2: Nợ cần chú ý
Đây là những khoản nợ quá hạn quy định từ 10 đến dưới 90 ngày và những khoản nợ được ngân hàng gia hạn nợ lần đầu.
Nhóm 3: Nợ dưới tiêu chuẩn
Nhóm này đã bắt đầu rơi vào danh sách nợ xấu ngân hàng, với điều kiện là:
- Quá hạn trả nợ từ 91 đến 180 ngày.
- Những khoản nợ được miễn hoặc giảm lãi suất do khách hàng không có khả năng trả đủ theo hợp đồng tín dụng.
- Được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu, trừ những khoản được gia hạn trả nợ lần đầu thuộc nhóm 2.
Nhóm 4: Nợ nghi ngờ mất vốn
Danh sách nợ xấu ngân hàng nhóm 4 có những đặc điểm sau:
- Những khoản nợ quá hạn từ 181 đến 360 ngày.
- Các khoản nợ được gia hạn lại thời hạn trả nợ lần thứ hai.
- Những khoản nợ khó đòi được gia hạn trả nợ lần đầu và đã quá hạn dưới 90 ngày theo thời gian trả nợ được gia hạn lần đầu.
Nhóm 5: Nợ có khả năng mất vốn
Là nhóm khách hàng nợ xấu ngân hàng có những đặc điểm sau:
- Quá hạn từ 360 ngày trở lên.
- Những khoản nợ khó đòi được gia hạn trả nợ lần đầu và đã quá hạn từ 90 ngày trở lên theo thời gian trả nợ được gia hạn lần đầu.
- Các khoản nợ được gia hạn trả nợ lần thứ hai và đã quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai.
- Các khoản nợ được gia hạn lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên (bao gồm cả trường hợp chưa bị quá hạn hoặc đã quá hạn).
Nếu nằm trong danh sách nợ xấu ngân hàng, bạn rất khó để làm hồ sơ vay vốn tại bất cứ ngân hàng nào bởi thông tin đã được hệ thống hóa trên CIC – Trung Tâm Thông Tin Tín Dụng trực thuộc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam. Tại đây bạn cũng có thể tra cứu nợ xấu cá nhân, hãy truy cập website: https://cic.org.vn.
Bị nợ xấu ngân hàng và cách xử lý
Nợ xấu ngân hàng không những khiến bạn khó khăn trong vấn đề vay vốn sau này tại bất cứ tổ chức tín dụng nào mà còn gặp không ít phiền toái vì luôn có những cuộc gọi thúc ép nộp tiền. Vậy làm sao để xử lý nợ xấu ngân hàng tốt nhất?
Liên hệ ngân hàng để được hỗ trợ
Lời khuyên cho bạn là nên liên hệ với ngân hàng ngay khi khả năng trả nợ của bạn bị đe dọa, không nên đợi đến khi rơi vào nhóm nợ xấu. Lúc đó nhân viên ngân hàng sẽ hỗ trợ bạn tốt nhất, gia hạn thời gian trả nợ dựa trên tình hình tài chính hiện tại. Hơn nữa, việc này còn giúp bạn giữ hồ sơ vay tại ngân hàng, không rơi vào nhóm nguy hiểm bị ngân hàng gửi hồ sơ lên tòa.
Đặc biệt nếu bạn có tài sản thế chấp, khi bị kiện ra tòa thì tài sản sẽ bị thu hồi, ngân hàng được phép bán đấu giá và phát mãi với giá rất thấp. Số tiền thu về được dùng để thanh toán khoản nợ gốc, lãi và phí phạt của bạn.
Huy động vốn từ mọi nguồn có thể
Có hai nguồn huy động vốn tốt nhất để bạn có thể tạm thời trả một phần hoặc hoàn toàn nợ xấu, nợ có nguy cơ rơi vào nhóm xấu là nhờ sự giúp đỡ của người thân và từ các vật dụng có giá trị.
Hãy cố gắng tận dụng tất cả đồ dùng có giá trị của mình để bán và thu hồi tiền giải quyết nợ xấu ngân hàng. Tuy nhiên hãy tỉnh táo để tránh bị lợi dụng, ép giá khi bán. Ngoài ra, bạn có thể tìm đến sự trợ giúp từ người thân để vay mượn tiền, tất toán tạm thời khoản nợ hiện tại. Cần thực hiện huy động vốn càng nhanh càng tốt bởi nếu thời gian kéo dài, bạn có thể phải trả thêm lãi phát sinh, phí phạt vay quá hạn rất nặng, càng tăng thêm gánh nặng tài chính.
Ngân hàng xử lý nợ xấu như thế nào?
Khi khoản nợ rơi vào nhóm nợ xấu, bộ phận chuyên biệt từ ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm nhắc nhở, gọi điện thúc giục và hỗ trợ bạn giải pháp để thanh toán nợ sớm nhất. Trong trường hợp khả năng tài chính của người vay không thể trả được nợ thì ngân hàng có thể kiện ra tòa để được phép sử dụng tài sản thế chấp đem phát mãi, lấy tiền bù vào các khoản vay và phí, lãi.
Ngoài ra, ngân hàng có thể bán nợ xấu cho VAMC – công ty TNHH 1 thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, còn gọi là công ty quản lý tài sản Việt Nam. Có thể hiểu đây là công cụ đặc biệt của Nhà nước, giúp các ngân hàng xử lý nợ xấu nhanh, giảm thiểu rủi ro, lành mạnh hóa tài chính. Chính vì thế, công ty này cũng có cách xử lý nợ xấu ngân hàng theo quy định của Nhà nước.
Cụ thể tại điều 17, 18, 19 nghị định 53/2013 quy định công ty tài sản sẽ xử lý các khoản nợ xấu bằng các biện pháp:
Cơ cấu lại nợ xấu
Quy định tại điều 17 luật này như sau:
“1. Công ty quản lý tài sản thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ nhằm hỗ trợ khách hàng vay sau đây:
- a) Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, thời hạn trả nợ phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của khách hàng vay;
- b) Áp dụng lãi suất của khoản nợ đã mua phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng vay và điều kiện thị trường;
- c) Giảm một phần hoặc miễn toàn bộ số lãi đã quá hạn thanh toán mà khách hàng vay chưa có khả năng trả nợ.
- Ngân hàng nhà nước hướng dẫn cụ thể việc cơ cấu lại nợ của công ty quản lý tài sản quy định tại khoản 1 điều này.
- Trong trường hợp đánh giá khách hàng vay có khả năng phục hồi tốt, công ty quản lý tài sản xem xét, đầu tư, cung cấp tài chính để hỗ trợ khách hàng vay xử lý khó khăn tài chính tạm thời và phục hồi sản xuất kinh doanh.
- Công ty quản lý tài sản thực hiện bảo lãnh cho khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng trong trường hợp đánh giá khách hàng có khả năng phục hồi tốt hoặc có dự án mới có hiệu quả đảm bảo trả được nợ vay”.
Xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ công ty đã mua
Quy định tại điều 18 luật này như sau:
“1. Tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu mà công ty quản lý tài sản đã mua được xử lý theo thỏa thuận của các bên; nếu không có thỏa thuận thì tài sản bảo đảm được bán đấu giá.
- Trường hợp không có thỏa thuận của các bên về xử lý tài sản bảo đảm, việc xử lý tài sản bảo đảm được thực hiện thông qua các phương thức bán đấu giá sau đây:
- a) Bán đấu giá qua tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp;
- b) Công ty quản lý tài sản bán đấu giá.
Công ty quản lý tài sản lựa chọn, quyết định phương thức bán tài sản bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật và bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch.
- Sau khi thu giữ, tiếp nhận tài sản bảo đảm từ bên giữ tài sản bảo đảm, công ty quản lý tài sản có quyền bán đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2 điều này mà không cần sự đồng ý của bên bảo đảm. Công ty quản lý tài sản có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc bán đấu giá tài sản bảo đảm cho bên sở hữu tài sản bảo đảm không muộn hơn 10 ngày làm việc trước ngày tổ chức bán đấu giá.
- Kết quả đấu giá, hợp đồng bán tài sản của công ty quản lý tài sản cho bên mua tài sản là căn cứ xác định nghĩa vụ tài chính, công chứng, chứng thực, làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm và chấm dứt quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của bên bảo đảm hoặc bên sở hữu tài sản.
- Trong trường hợp công ty quản lý tài sản bán đấu giá tài sản bảo đảm có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì người nhận chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.
Thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.
Trong trường hợp pháp luật quy định việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phải có sự đồng ý bằng văn bản của chủ sở hữu, hợp đồng mua bán tài sản giữa chủ sở hữu tài sản hoặc người phải thi hành án với người mua tài sản về việc xử lý tài sản bảo đảm thì hợp đồng cầm cố, hợp đồng thế chấp được dùng thay thế cho các loại giấy tờ này.
- Trình tự, thủ tục tự tổ chức bán đấu giá tài sản của công ty quản lý tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá”.
Xử lý tiền thu hồi nợ những khoản được mua bằng trái phiếu đặc biệt
Quy định tại điều 19 Luật này như sau:
“ 1. Sau khi trừ đi các chi phí có liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm, số tiền thu hồi nợ thông qua việc bán nợ, xử lý tài sản bảo đảm, khách hàng vay trả nợ, bên có nghĩa vụ trả nợ thanh toán được sử dụng để thanh toán các nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ.
- Sau khi trừ đi số tiền phải trả cho công ty quản lý tài sản theo quy định tại điểm i khoản 1 điều 13 nghị định này, tổ chức tín dụng bán nợ được hưởng số tiền thu hồi nợ từ các khoản nợ xấu bán cho công ty quản lý tài sản do khách hàng vay trả nợ; bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm thanh toán; bán nợ; bán và xử lý tài sản bảo đảm.
- Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định của bộ luật dân sự và pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm”.
Như vậy, bài viết này đã giúp bạn giải đáp thắc mắc về việc cần làm khi bị nợ xấu ngân hàng và cách xử lý tốt nhất. Hãy cố gắng giảm nợ xấu đến mức tối đa và giữ lịch sử nợ xấu xuống mức thấp nhất nhé, điều này ảnh hưởng đến khả năng vay vốn của bạn trong tương lai và các vấn đề tài chính, tài sản khác.